Chỉ có thể cảm nhận và hòa mình cùng với mây mù, hít hà cái rét ngọt ở Sapa và để cho cảm xúc ùa về tự nhiên như thế. Đó là điều mà nếu chỉ ngồi nhà xem ảnh hay lướt web ngắm Sapa sẽ không bao giờ có được.
Đừng ngại, lên Sapa giờ không khó, chỉ cần gần 4 giờ đồng hồ theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, bạn có thể được hòa mình vào cảnh vật Sapa không một chút mệt mỏi.
Sapa người Dao đỏ luôn mặc trang phục truyền thống, bạn có thể nhận ra họ trên phố qua chiếc khăn màu đỏ đội trên đầu
Lần này chúng tôi lên Sapa bằng con đường cao tốc mới được khai trương Hà Nội- Lào Cai. Con đường 4 làn khá rộng, vắng và đẹp. Buổi sáng nắng sớm tỏa mơn man, những đồi cọ xanh mơn mởn hiện ra thấp thoáng hai bên đường là những trải nghiệm đầu tiên khi lên Sapa trên cung đường cao tốc.
Thị trấn nhỏ bồng bềnh trong sương hay mây không rõ, chào đón tôi bằng cái lạnh tái tê mà thanh sạch, dễ chịu. Trong sương mờ bao phủ, Sa Pa vẫn đẹp một cách lạ lùng. Cây cối phủ hơi sương, nhà thờ cổ Sa Pa chìm trong giá lạnh, những luống rau và hoa tại Sa Pa vẫn tươi xanh mơn mởn.
Anh Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty Du lịch APT, đơn vị đầu tiên mở tour hàng ngày lên Sapa bằng đường cao tốc mới quả quyết với tôi rằng, trong tương lai đây là tour so sánh với Hạ Long về tiềm năng, vì trước kia khách lên Sapa phải đi bằng tàu khách rất mệt mỏi giá thành lại cao hơn, có thể lên tới 40%.
Cận đông, Sa Pa lạnh nhưng không tê buốt. Lặng lẽ, nhưng không u buồn. Cứ giản dị, đơn sơ mà níu kéo bước chân người lữ khách.
Dạo bản Cát Cát, thăm thác tình yêu, chúng tôi trở lại thị trấn khi trời nhá nhem tối. Buổi tối ở Sapa dường như về sớm hơn, lang thang chợ đêm Sapa, thưởng thức món nướng đặc trưng trong khí trời lạnh buốt. Buổi tối ở Sapa lạnh, hơi lạnh ở thị trấn mộng mơ này kéo những con người đi sát vào nhau hơn. Tôi theo chân hướng dẫn đi dọc con phố dẫn đến nhà thờ và quảng trường. Sương đêm xà xuống quyện lẫn với tiếng khèn mông réo rắt. Tôi cứ tần ngần đứng ngắm mãi, có một cảm xúc, một cảm nhận về Sapa rất riêng trong tôi mà khó diễn tả được bằng lời.
Người dân ở đây bảo, chỉ mấy hôm nay thôi, sương mù ở Sapa mới nhiều như vậy. Sương mờ mịt suốt cả ngày. Chốc chốc trời lại đổ mưa bụi lơ phơ. Gió, mưa, sương, mây quyện vào nhau, cuốn riết lấy người và cảnh vật
Mây và sương dày đặc phủ lên tất thảy một vẻ bàng bạc, mơ hồ. Ngay những thửa ruộng bậc thang cũng chìm trong chiếc chăn mây bàng bạc…
Ở Sapa cũng như nhiều nơi ở vùng núi Đông Bắc ruộng bậc thang nằm chênh vênh trên các sườn núi.
Trên chặng đường lên Sapa trên các thửa ruộng lúa đã được gặt xong, đâu đó vẫn còn những ruộng lúa chín muộn vàng ươm. Chỉ có điều, những thửa ruộng ở Sapa không chỉ đẹp vào mùa gặt mà mỗi mùa mỗi lúc mang một vẻ đẹp riêng và rất lạ thấp thoáng ẩn hiện trong mây.
Ở Sapa người Dao đỏ luôn mặc trang phục truyền thống, bạn có thể nhận ra họ trên phố qua chiếc khăn màu đỏ đội trên đầu, hình ảnh này có vẻ siêu thực trong một bối cảnh mà xã hội đang phát triển một cách chóng mặt. Còn người H’Mông lại là những thương nhân rất khôn ngoan. Làng bản của họ vẫn giữ nét cổ xưa nhưng đa số họ đều trang bị cho mình điện thoại di động và địa chỉ email để giao dịch.
Theo truyền thống, họ là người nghèo nhất của người nghèo, nhưng họ đã nhanh chóng nắm bắt và thể hiện tinh thần của những nhà kinh doanh tài ba. Phần lớn những người dân tộc thiểu số đều ít học hoặc không biết chữ, nhưng hầu như tất cả những lớp thanh niên ở đây đều có thể sử dụng tốt tiếng Anh, tiếng Pháp và một số ít ngôn ngữ khác.
Nếu muốn hòa mình vào đời sống của người dân bản địa, bạn cũng có thể lựa chọn loại hình ngủ đêm ở bản. Tại Giang Tà Chải một số người dân đã xây dựng mô hình này để đón khách. Ở đây, vào buổi tối bạn sẽ được chủ nhà chiêu đãi bằng một bữa tiệc nhỏ do chính họ làm ra với những đặc sản núi rừng của đất trời Sapa.
Thích vô cùng cái cảm giác được hòa mình vào mây mù, đất trời núi non Sapa, được cùng mọi co ro trong lảng bảng sương mù dạo chơi. Mùa này Sapa đẹp lạ thường dưới ánh nắng chiều sóng sánh như mật đang trải đều khắp trên những ruộng bậc thang lấp lánh nước đã vẽ lên một Sapa một bức tranh phong cảnh thật ấn tượng.
Những em bé người Mông nói tiếng Anh như gió vẫn địu em đi trên những con đường quanh co khắp Sa Pa, tay đang thêu khăn, thêu mũ, hai chị em cô bé vẫn sẵn sàng nở một nụ cười mỗi khi du khách chụp hình chung cứ đọng mãi trong tôi.
Cuộc chia tay quá nhanh, tôi cứ thế tời khỏi Sapa mà chẳng nhìn lại, 2 ngày một đêm ở lại mảnh đất này tôi đã thêm quyến luyến. Cảnh vật và con người như có gì thân quen lắm, phải chăng do cảm xúc của tôi với Sapa rất khác với những nơi khác.