Praha cuốn hút khách du lịch không chỉ bởi vẻ bề ngoài hào nhoáng mà còn bởi một thoáng cổ tích vẫn vẹn nguyên trong nhịp sống sôi động của thành phố du lịch nổi tiếng này.
Tiếng nhạc lúc trầm bổng, lúc rộn rã vui tươi của các nghệ sỹ đường phố trên cầu Charles (hay người Việt còn quen gọi là cầu Tình), quảng trường con gà, con ngựa với kiến trúc độc đáo, nhiều công trình cổ kính với những tháp nhọn cao vút hay những chóp nón kiêu hãnh giữa lưng chừng trời, Praha xứng đáng là một trong những thủ đô xinh đẹp nhất thế giới và là trái tim của châu Âu.
Lúc chúng tôi rời Budapest để tới Praha, bầu trời xám xịt và sau đó đổ mưa không ngớt . Bước xuống sân bay quốc tế Praha, may mắn là trời đã ngớt mưa và cũng sáng hơn. Trên đường từ sân bay vào trung tâm thành phố, mỗi khi đi qua thắng cảnh nào đó của Praha, chúng tôi lại ồ lên với vẻ ngưỡng mộ.
Người ta đặt cho Praha xinh đẹp là “thành phố của trăm hình chóp” quả là có lý do của nó. Praha gây ấn tượng với khách du lịch bởi những nhà thờ, lâu đài, công trình cổ kính với những tháp nhọn cao vút hay những chóp nón kiêu hãnh giữa lưng chừng trời. Tôi có đọc ở đâu đó rằng nguồn gốc của cái tên đó là điều còn gây tranh cãi . Tuy nhiên, hồi thế kỷ 19, Bernard Bolzano – nhà toán học người Czech đã đếm được 103 mái nhà hình chóp ở Prague.
Tới Praha sau hai ngày “tranh thủ” tận hưởng vẻ đẹp của Budapest cộng với cái balo khoảng 8kg trên lưng, chúng tôi ai nấy cũng mệt mỏi. Đi bus tới bên metro để về nhà một người quen ở Praha, chúng tôi đã không biết đi tiếp thế nào dù có địa chỉ trên tay và có hướng dẫn cụ thể.
May mắn là khi đến đó, chúng tôi có gặp một anh người Việt, là du học sinh ở đó và được hướng dẫn nhiệt tình . Phải nói thêm là cộng đồng người Việt ở CH Séc rất đông. Theo thông kê, người Việt tại Séc có số lượng đông thứ ba trong số các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại đây, với khoảng 60 nghìn người. Chính vì thế mà với Praha, ngoài những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới, người Việt còn có chợ Sapa ở ngoại ô Praha.
Là nơi kiếm sống của khoảng 7.000 người, chợ Sapa còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam với đầy đủ các câu lạc bộ thể thao, chùa và các cửa hàng tràn ngập hàng Việt. Hay nói mội cách khác, chợ Sapa được mệnh danh là thế giới thu nhỏ của người Việt. Đến đây, những người Việt xa xứ có thể dễ dàng tìm thấy cho mình hương vị quê nhà như một bán bún cá rô rau cần hay một bán cháo lòng nóng hổi…
Quảng trường Hoàng gia với đồng hồ con Gà nổi tiếng luôn nhộn nhịp khách du lịch
Về đến nhà người quen ở Praha, chúng tôi được chủ nhà tốt bụng chiêu đãi một bát phở bò đúng vị Hà Nội, rồi háo hức đi thăm “trái tim của châu Âu”. Vào mùa hè, Praha mang một vẻ đẹp không ngủ. Mùa hè ở đây bắt đầu từ 5h sáng và tắt nắng vào 10h đêm nên khi tới đây, khách du lịch sẽ có những ngày đi chơi thật dài.
Praha cuốn hút khách du lịch không chỉ bởi vẻ bề ngoài hào nhoáng mà còn bởi một thoáng cổ tích vẫn vẹn nguyên trong nhịp sống sôi động của thành phố du lịch nổi tiếng này .Đến với Praha ,khách du lịch sẽ được dạo bước trên những con đường lát gạch đá còn nguyên vẻ sơ khai như cách đây hàng mấy thế kỷ trước. Vang lên trong thành phố cổ kính này là tiếng leng keng của những chiếc tàu điện.
Hay nói một cách khác, tới Praha, chúng tôi cảm giác mình đang lạc bước vào một thế giới cổ tích kỳ diệu. Mặt khác, do không bị chiến tranh tàn phá nên Praha là một trong số thành phố ít ỏi còn giữ được nhiều nét cổ kính với đủ các thể loại kiến trúc từ Roman, Gothic, Baroque, Rococo, Neoclasical cho đến kiến trúc hiện đại.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi tới thăm là quảng trường trung tâm. Khi chúng tôi tới đây đã có hàng ngàn du khách đứng chờ dù đang là đúng trưa, trời khá nóng. Hóa ra, đúng 12 giờ trưa, đồng hồ ở nhà thờ Con Gà thong thả hồi chuông, chú gà vàng hiện ra từ tòa tháp cao nhất, và những vị thần lần lượt đi qua ô cửa nhỏ … Chiếc đồng hồ này (tiếng Czech là Orloj) được xây dựng từ thế kỷ 15, là niềm tự hào của người dân Praha, cũng giống như Nhà thờ Đức mẹ toàn thắng ở Quảng trường Hoàng gia, đẹp cả ban ngày và lung linh dưới ánh đèn chiếu sáng ban đêm. Leo lên tầng tháp của Nhà thờ Con Gà, chúng tôi cũng như nhiều du khách khác ngẩn ngơ ngắm nhìn toàn cảnh khu trung tâm Praha được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1992 hiện ra dưới tầm mắt.
Cũng như nhiều thành phố châu Âu, Praha có những cây câu bắc ngang con sông Vlata chia đôi thành phố trong đó nổi tiếng nhất là cầu Charles, hay còn được gọi là “cầu tình yêu”, cây cầu nổi tiếng bởi những bức tượng dọc hai thành cầu, còn nổi tiếng hơn vì là nơi mà du khách truyền nhau rằng đây là cây cầu của sự may mắn.
Điểm nhấn của cây cầu được xây dựng từ thế kỷ 14 này chính là 2 ngọn tháp ở 2 đầu, ấn tượng bởi cả kiến trúc Gotic lẫn những câu chuyện gắn liền với nó. Chuyện kể rằng ngọn tháp cổ phải mất 25 năm để xây dựng với sự tham gia của 100 người thợ tài hoa làm việc cật lực . Quả thực, kiến trúc độc đáo là điểm nhấn mang lại cho Praha nhiều sự khác biệt so với những kiến trúc hùng vĩ khác ở Tây Âu.